HỘI NGHỊ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CÁC VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM
Đăng ngày 06-11-2013 07:59
Ngày 7/4, tại thành phố Cần Thơ, Ban chỉ đạo điều phối phát triển các Vùng kinh tế trọng điểm tổ chức “Hội nghị tổng kết công tác xây dựng và phát triển các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2006-2010 và định hướng phát triển giai đoạn 2011-2015” do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - Trưởng Ban chỉ đạo điều phối các vùng kinh tế trọng điểm Quốc gia chủ trì Hội nghị, tham dự Hội nghị gồm đại diện Lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và tổ điều phối 04 vùng kinh tế trọng điểm (VKTTĐ) của các địa phương trên cả nước.

Theo Báo cáo của Ban chỉ đạo, đến nay cả nước có 4 VKTTĐ với tổng diện tích tự nhiên 90.770km2, chiếm 27,42% diện tích cả nước, dân số đến năm 2010 có 44,569 triệu người, bằng 51,27% dân số cả nước. Tương ứng các VKTTĐ gồm các địa phương như sau:

- Vùng Bắc bộ có 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng và Hưng Yên. Diện tích tự nhiên 15.593 km2, chiếm 4,7% diện tích cả nước, dân số đến năm 2010 có 14,46 triệu người, chiếm 16,6% dân số cả nước.

- Vùng Miền Trung có 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Diện tích tự nhiên 27.976 km2, chiếm 8,5% cả nước, dân số đến năm 2010 có 6,15 triệu người, chiếm 7,1% dân số cả nước.

- Vùng Phía Nam có 8 tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang. Diện tích tự nhiên 30.583 km2, chiếm 9,24% cả nước, dân số đến năm 2010 có 17,689 triệu người, chiếm 20,35% dân số cả nước.

- Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long có 4 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau. Diện tích tự nhiên 16.616 km2, chiếm 5,02% cả nước, dân số đến năm 2010 có 6,26 triệu người, chiếm 7,2% dân số cả nước.

Giai đoạn 2006-2010, các VKTTĐ phát triển khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng GDP các VKTTĐ đạt 10,98%/năm; đến năm 2010: thu nhập bình quân đầu người đạt 34,6 triệu đồng (gấp 1,36 lần so với cả nước), cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp (46,8%), dịch vụ (41%) và nông nghiệp (12,2%), tổng thu ngân sách đạt 514.449 tỷ đồng, chiếm 88,6% tổng thu ngân sách cả nước, kim ngạch xuất khẩu đạt 64,907 tỷ USD, chiếm 89,85% cả nước; giai đoạn 2006-2010, tổng vốn đầu tư phát triển xã hội đạt 2.684 nghìn tỷ đồng, chiếm 47,6% tổng GDP các VKTTĐ. Các VKTTĐ đã thực hiện được vai trò đầu tàu, đầu mối trong hội nhập quốc tế, bước đầu hình thành mạng lưới kết cấu hạ tầng liên vùng và phát huy các tiềm năng, nguồn lực, lợi thế của mỗi vùng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

Đối với Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung (KTTĐMT), giai đoạn 2006-2010, tăng trưởng GDP đạt 11,6%/năm, thu hút đầu tư nước ngoài đạt kết quả khả quan với 406 dự án được cấp phép còn hiệu lực đến tháng 02/2012, tổng vốn đăng ký đạt 14,76 tỷ USD, chiếm 7,46% so cả nước, tổng vốn ODA được ký kết đạt 589,6 triệu USD. Đến năm 2010 thu nhập bình quân đầu người đạt 20,9 triệu đồng/người, tổng thu ngân sách đạt 33.774 tỷ đồng, chiếm 5,8% tổng thu ngân sách cả nước, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,588 tỷ USD, chiếm 2,33% cả nước. Đã hình thành một số công trình trọng điểm, tạo điểm nhấn phát triển cho cả vùng và tạo tiền đề cho việc thực hiện mục tiêu liên kết vùng như: nâng cấp quốc lộ 1A, 14B, 14D; xây dựng tuyến hành lang ven biển gắn kết trục quốc lộ 1A, thiết lập đầu mối giao thông từ cảng đến vùng Tây Nguyên theo các trục đường quốc lộ 14B, 24, với Lào, đông bắc Thái Lan và đông bắc Campuchia theo trục đường xuyên Á; xây dựng đường Hồ Chí Minh; hoàn thành đường hầm qua đèo Hải Vân; hoàn thành Cảng hàng không Chu Lai, sân bay Phú Bài, Phù Cát, nâng cấp năng lực sân bay quốc tế Đà Nẵng; khai thác hiệu quả Cảng Tiên Sa, Kỳ Hà, Dung Quất, Quy Nhơn, Chân Mây. Nhiều công trình nước sạch, dự án thoát nước và vệ sinh môi trường, xử lý chất thải rắn đã được triển khai trên ở thành phố Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Quy Nhơn...;  hoàn thành và đưa vào sử dụng nhà máy lọc dầu Dung Quất, khu kinh tế mở Chu Lai, Khu kinh tế Dung Quất, Khu kinh tế Nhơn Hội…

Mặc dù đã đạt được một số thành tựu bước đầu trong quá trình xây dựng và phát triển, được sự quan tâm đầu tư của trung ương và khai thác các tiềm năng, lợi thế của vùng, song hầu hết các kết quả đạt được nêu trên của Vùng KTTĐMT còn thấp và hạn chế so với các vùng kinh tế khác, do xuất phát điểm thấp, chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, lũ lụt; hạ tầng kinh tế, xã hội chưa đồng bộ; tiềm năng, thế mạnh khá tương đồng dẫn đến phân tán nguồn lực đầu tư, xuất hiện những xung đột giữa lợi ích địa phương và lợi ích toàn vùng; sự hợp tác và liên kết vùng chưa mang lại hiệu quả từ quy hoạch phát triển, thu hút đầu tư, phân bổ nguồn lực đến cơ chế phối hợp điều hành, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển còn thiếu và yếu về chất lượng…

Thay mặt UBND thành phố Đà Nẵng, đ/c Phùng Tấn Viết - Phó Chủ tịch đã tham gia Hội nghị và tham luận về tác động của VKTTĐMT đối với việc phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2006-2011 và kiến nghị các giải pháp bền vững nhằm phát triển VKTTĐ miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng giai đoạn 2011-2015.

Trong thời gian qua, ý thức cao vai trò, vị trí trong liên kết phát triển của VKTTĐMT, thành phố Đà Nẵng đã triển khai thực hiện quyết liệt các Nghị quyết, văn bản pháp luật của trung ương, sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành và kết hợp nội lực địa phương, thành phố đã hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình tạo điểm nhấn quan trọng trong việc phát triển và liên kết phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung như:

- Cải tạo, nâng cấp cảng Tiên Sa; hoàn thành và đưa vào sử dụng Cầu Thuận Phước; Nâng cấp, cải tạo Nhà ga sân bay quốc tế Đà Nẵng đạt công suất phục vụ 6 triệu hành khách/năm, khởi công và đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cầu Rồng, Cầu Trần Thị Lý, xây dựng các tuyến đường ven biển...

- Đầu tư xây dựng 04 nhà máy cấp nước gồm: nhà máy nước Cầu Đỏ, Sân Bay, Sơn Trà và Hải Vân với tổng công suất thiết kế 90.000m3/ngày đêm, đang khai thác 105.000 m3/ngày đêm.

- Đà Nẵng có 06 khu công nghiệp, tổng diện tích 1.141,91 ha. Diện tích đất công nghiệp là 663,69 ha, thu hút 337 dự án đầu tư, hệ số lấp đầy 86,87%. Ngoài ra, thành phố có 02 Cụm Công nghiệp khác là: CCN Thanh Vinh mở rộng có diện tích 27 ha, trong đó đã lấp đầy gần 70% và CCN Phước Lý có diện tích 60 ha, đang trong quá trình triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng.

- Thực hiện nhiều Chương trình nhà ở thực hiện mục tiêu phát triển bền vững: xây dựng Nhà tình nghĩa, Nhà tình thương, khởi công và xây dựng các căn hộ thuộc Chương trình 7.000 căn hộ chung cư cho người thu nhập thấp… Đến nay, thành phố đã và đang triển khai xây dựng được hơn 3.484 căn hộ chung cư tương đương khoảng 174.200m2 sàn ở.

- Lĩnh vực thương mại phát triển nhanh và khá toàn diện, bước đầu đảm nhận vai trò trung tâm phát luồng bán buôn cho các tỉnh, thành phố miền Trung và Tây Nguyên. Mạng lưới kinh doanh được phân bố đều và rộng rãi. Một số trung tâm thương mại - siêu thị được hình thành như: Intimex, Nhật Linh, siêu thị Ánh sáng Thư Dung, Trung tâm buôn bán Metro, Siêu thị Big C, siêu thị Co.op-mart… hệ thống chợ được quy hoạch lại và xây dựng mới đáp ứng ngày càng cao nhu cầu mua sắm của nhân dân. 

- Hạ tầng du lịch Đà Nẵng góp phần đưa du lịch Đà Nẵng từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nhiều dự án du lịch, các khách sạn, nhà hàng lớn và cao cấp được đưa vào khai thác, góp phần tạo sức hấp dẫn mới để thu hút du khách như: Bảo tàng nghệ thuật điêu khắc Chămpa, Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, đường du lịch ven biển Nguyễn Tất Thành, Sơn Trà - Điện Ngọc, các dự án du lịch tại bán đảo Sơn Trà và ven biển, Furama, Bến Thành - Non Nước, Golden Sea, khu du lịch Bà Nà - Suối Mơ, Sandy Beach...

- Thành phố có 7 trường Đại học, 11 trường Cao đẳng, 7 trường TCCN, 50 cơ sở, trường dạy nghề có 50 cơ sở, 8 trung tâm GDTX, GDTX-HN, KTTH-HN, 56 trung tâm học tập cộng đồng và 56 trung tâm ngoại ngữ, tin học và nghiệp vụ. ngoài ra, đã xây dựng trên 266 phòng học mẫu giáo mầm non, 2.672 phòng học cấp tiểu học, THCS và THCN, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt trên 80%.

- Đưa vào sử dụng Trung tâm sản-nhi thuộc bệnh viện Đà Nẵng phục vụ khu vực miền Trung - Tây nguyên; nâng cấp bệnh viện đa khoa Đà Nẵng với quy mô 1.100 giường; đẩy nhanh tiến độ dự án Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng quy mô 500 giường phục vụ miễn phí cho người nghèo...

- Triển khai Đề án "xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường", xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc 05 ngành ưu tiên (sắt thép, giấy, vật liệu xây dựng, dệt nhuộm, chế biến thủy sản), triển khai dự án Thoát nước và Vệ sinh môi trường, hệ thống thu gom chất thải rắn và nước thải đưa về trạm xử lý tập trung, giải quyết cơ bản tình trạng ngập úng và ô nhiễm môi trường trên địa bàn.

Nhằm đáp ứng mục tiêu thực hiện vai trò thành phố động lực khu vực miền Trung giai đoạn sắp đến theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW và số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, thành phố Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành trung ương quan tâm thực hiện một số cơ chế, chính sách và các công trình, dự án trọng điểm như sau:

- Xây dựng và ban hành Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch thủy lợi Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020 và xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

- Phối hợp với hãng hàng không quốc gia Việt Nam xúc tiến mở các tuyến đường bay quốc tế trực tiếp đến các cảng hàng không quốc tế trong Vùng (Đà Nẵng, Phú Bài, Chu Lai); mở thêm các đường bay trong nước nối các đô thị trong Vùng với nhau và với các trung tâm du lịch cả nước.

- Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ khớp nối với hệ thống giao thông đường bộ liên tỉnh và quốc tế trên cơ sở:

+ Triển khai và đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cao tốc Quảng Trị - Huế - Đà Nẵng; nâng cấp và đưa các đoạn đường sắt Thống Nhất chạy qua các thị xã, thành phố ra bên ngoài song song với các đường bộ; đầu tư hiện đại hệ thống ga đường sắt trên địa bàn; xây dựng mới Cảng nước sâu Liên Chiểu…

+ Tiếp cận phía Nhật bản và ADB đề cập việc hỗ trợ nguồn vốn thực hiện Dự án tuyến đường hành lang kinh tế Đông - Tây 2.

+ Đẩy nhanh việc triển khai khu công nghệ cao Đà Nẵng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế có ý nghĩa động lực gồm Chân Mây - Lăng Cô, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội.

- Triển khai nhanh các dự án đại học quốc tế trên địa bàn nhằm đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao giảng dạy ở các cơ sở đào tạo, làm việc tại các viện nghiên cứu và tham gia vào các dự án quốc tế có quy mô lớn trong vùng.

- Xây dựng một Trung tâm hải sản của Vùng mang tầm cỡ quốc gia và hướng đến tầm quốc tế nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế kinh tế biển.

- Tăng cường liên kết giữa các cơ sở đào tạo, cơ sở dạy nghề với các doanh nghiệp, nhất là các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn để tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dạy nghề; đồng thời, tập trung dạy nghề chất lượng cao theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế đối với các ngành kinh tế, các lĩnh vực quan trọng của vùng như: du lịch, thương mại, vận tải - kho bãi - cảng biển, điện, điện tử, điện lạnh, viễn thông, công nghệ thông tin, cơ khí điện tử… Đào tạo lao động chất lượng cao đón đầu các ngành công nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh để đạt được mục tiêu đề ra cần tăng cường sự chỉ đạo, điều phối, phối hợp của các Bộ, ngành và các địa phương trong công tác quy hoạch; huy động vốn đầu tư và thực hiện các dự án mang tính đột phá, các ngành công nghiệp then chốt, các dự án công trình hạ tầng đầu mối có tính thúc đẩy liên kết vùng kinh tế trọng điểm… Hội nghị kết thúc thành công vào 11h30 cùng ngày./.

                                       Ngô Đình Tráng - Trần Thị Nhật Ánh

Các tin khác