Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022
Đăng ngày 15-12-2022 16:35

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 12 VÀ 12 THÁNG NĂM 2022

1. Bối cảnh

Năm 2022 thành phố tiếp tục đối mặt với những khó khăn do sự bất ổn kinh tế, chính trị trên thế giới, những tác động lâu dài của dịch bệnh COVID-19 và vướng mắc, khó khăn khéo dài, chưa được tháo gỡ trong quá trình thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án liên quan đến đất đai… đang tác động trực tiếp đến các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Bên cạnh đó, Trung ương đã ban hành các chính sách quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi phát triển kinh tế - xã hội cả nước, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Đảng bộ, chính quyền các cấp, các ngành, cùng với sự chung sức của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã đồng lòng, quyết tâm, linh hoạt, sáng tạo trong triển khai Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 với Chủ đề “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”. Với quyết tâm đó, tình hình kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng khởi sắc trên nhiều lĩnh vực; một số ngành phục hồi nhanh và có mức tăng bứt phá trong quý III/2022 đóng góp tích cực cho tăng trưởng chung của năm 2022.

2. Kết quả đạt được

Với sự chủ động, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ đề ra, kinh tế - xã hội thành phố hồi phục tích cực, các ngành, lĩnh vực chủ yếu đều phục hồi và có bước phát triển mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng. Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP, giá so sánh 2010) ước đạt 73.859,9 tỷ đồng, ước tăng 14,05% so với năm 2021 (NQ: tăng 6-7%), xếp thứ ba cả nước về tốc độ tăng GRDP; quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành ước đạt 125.218 tỷ đồng, tăng 14.032 tỷ đồng so với năm 2019, GRDP bình quân đầu người đạt 4.309 USD.

Kết quả một số chỉ tiêu chủ yếu:

(1) Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP, giá so sánh 2010) ước tăng 14,05% so với năm 2021 (NQ: tăng 6-7%);

(2) Giá trị gia tăng khu vực dịch vụ ước tăng 17,9% (NQ: tăng 5-6%);

(3) Giá trị gia tăng khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 6,4% (NQ: tăng 6-7%);

(4) Giá trị gia tăng khu vực nông - lâm nghiệp - thủy sản ước tăng 3,4% (NQ: tăng 2-3%);

(5) Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tăng 15,8% (NQ: tăng 9-10%);

(6) Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 120% dự toán, tăng 3,1% so với năm 2021;

(7) Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn (giá hiện hành) ước tăng 11,5% (NQ: tăng 6-7%);

(8) Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế tăng 14,1% (NQ: tăng 4%); tỷ lệ lực lượng lao động đã qua đào tạo (có bằng cấp, chứng chỉ) đạt 47,7% (NQ: đạt 50,6%);

(9) Tỷ suất sinh thô tăng 0,05%o (NQ: tăng 0,05%o);

(10) Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn sức lao động đến cuối năm (chuẩn thành phố) giảm còn 2,14% (NQ: giảm còn 1,99%);

(11) Gọi công dân nhập ngũ đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch.

Như vậy, năm 2022 thành phố hầu hết các chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, có 02 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là: tỷ lệ lực lượng lao động đã qua đào tạo[1] (có bằng cấp, chứng chỉ), tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn sức lao động đến cuối năm. Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và thiên tai, bão, mưa, lũ tác động mạnh đến đời sống hộ nghèo gây khó khăn về việc làm, thu nhập và thiệt hại về nhà ở, tài sản[2].

3. Hạn chế, khó khăn

(1) Tăng trưởng kinh tế đạt khá nhưng chưa đồng đều. Lĩnh vực công nghiệp phục hồi đạt khoảng 90% so với năm 2019 do một số ngành công nghiệp tiếp tục đối mặt với khó khăn, chưa thể phục hồi như: dệt, chế biến gỗ, sản xuất phương tiện vận tải khác, sản xuất hóa chất và sản phẩm từ hóa chất...

(2) Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công mặc dù đã được chỉ đạo quyết liệt nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, đến ngày 30/11/2022 đạt 66% kế hoạch Trung ương giao và đạt 50,1% kế hoạch HĐND thành phố giao, trường hợp loại trừ vốn vay lại của Trung ương vay nước ngoài 418 tỷ đồng theo thống nhất của Chính phủ và chưa kể dự phòng chưa phân bổ (475 tỷ đồng) thì giải ngân đạt 71,2% kế hoạch TW giao và 56,5% kế hoạch HĐND thành phố giao (trong đó vướng mắc lớn nhất vẫn là công tác đền bù giải tỏa, chậm cả về tiến độ thực hiện và kế hoạch vốn được giao). Nguyên nhân chủ yếu do công tác quản lý của các ban quản lý dự án còn hạn chế; công tác khảo sát, chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án của một số dự án của các chủ đầu tư còn chậm, chưa sát thực tế, thiếu sự chủ động trong công tác triển khai phối hợp thực hiện; năng lực của một số các đơn vị tư vấn thiết kế, nhà thầu chưa đảm bảo yêu cầu... Về một số nguyên nhân khách quan: ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến thiếu nhân công lao động, thời gian thi công, nguồn cung một số nguyên nhiên vật liệu...; giá cả các nguyên vật liệu, giá xăng dầu tăng; quy định về đền bù tái định cư còn nhiều bất cập …  

(3) Thu hút FDI giảm về số vốn so với cùng kỳ. Nguyên nhân do việc triển khai đầu tư xây dựng các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu, hiện vẫn đang trong giai đoạn tập trung đầu tư xây dựng. Thu hút đầu tư trong nước cũng còn hạn chế do quỹ đất để kêu gọi đầu tư dự án có quy mô lớn còn thiếu và chưa đảm bảo các điều kiện cần thiết để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất làm cơ sở để thu hút đầu tư, đồng thời thành phố đang gặp nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, Tòa án, theo đó nhiều dự án phải tạm dừng, làm ảnh hưởng đến hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố cũng như tâm lý của nhà đầu tư.

(4) Quy hoạch thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: thành phố đã hoàn chỉnh Báo cáo Quy hoạch trình Hội đồng thẩm định Quy hoạch, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các thành viên Hội đồng thẩm định, các bộ, ngành Trung ương và tiếp thu, hoàn thiện báo cáo theo các ý kiến góp ý, hiện đang chờ Hội đồng bố trí thời gian họp thẩm định, tuy nhiên tiến độ chậm so với kế hoạch thành phố đề ra. Nguyên nhân do phương pháp lập quy hoạch tích hợp còn mới nên quá trình lập quy hoạch phải tham khảo, tiếp thu nhiều ý kiến của các chuyên gia và bộ, ngành Trung ương; đồng thời quá trình thẩm định Quy hoạch phải phụ thuộc vào thời gian thẩm định theo quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

(5) Tình trạng mất cân đối về cơ cấu cung - cầu lao động chưa được khắc phục, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng, thiếu lao động. Một số chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid -19 và hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động tại một số quận, huyện còn chậm trễ. Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và thiên tai, bão, mưa, lũ tác động mạnh đến đời sống hộ nghèo gây khó khăn về việc làm, thu nhập và thiệt hại về nhà ở, tài sản, do vậy kết quả ước đến cuối năm có 2.500 hộ nghèo còn sức lao động thoát nghèo, chỉ đạt 83,6% kế hoạch năm 2022.

(6) Công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 chưa đạt kế hoạch đề ra; còn xảy ra tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế ở một số cơ sở khám chữa bệnh. Nguyên nhân do việc tháo gỡ khó khăn trong mua sắm, đấu thầu đảm bảo thuốc, vật tư y tế, sinh phẩm, hóa chất đã được tập trung chỉ đạo nhưng còn nhiều vướng mắc, chưa có hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành trung ương và tâm lý e dè của cán bộ trong việc triển khai thực hiện mua sắm.

(7) Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn vấn đề phức tạp, khiếu kiện về đất đai kéo dài; nổi lên tình trạng vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên và tội phạm công nghệ cao; công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy còn đặt ra nhiều thách thức; tai nạn giao thông tăng trên cả 03 tiêu chí.

(8) Trong những năm gần đây, tác động tiêu cực của thiên tai và biến đổi khí hậu làm cho tần suất và đặc biệt là cường độ của các loại thiên tai ngày càng gia tăng, diễn biến bất thường. Hiện nay, thành phố nguy cơ đối mặt với nhiều loại hình thiên tai nguy hiểm như: mưa lớn cực đoan, sạt lở đất đá đồi núi, ngập lụt lớn khu vực đô thị. Nguyên nhân do công tác dự báo chưa theo kịp diễn biến thực tế; khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu; trang thiết bị phục vụ công tác PCTT&TKCN còn chưa đảm bảo nhất là khi có các tình huống thiên tai quy mô lớn; phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ đã và đang có nguy cơ gia tăng rủi ro thiên tai; nhận thức của một bộ phận cộng đồng, người dân còn chủ quan, chưa được tập huấn thường xuyên và đầy đủ.         

4. Nguyên nhân

Những hạn chế nêu trên, ngoài nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng từ bối cảnh khó khăn chung cả nước, một phần là chậm khắc phục những hạn chế vốn có. Một số đơn vị chưa phát huy hết vai trò lãnh đạo, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu; công tác theo dõi, nắm tình hình, phân tích, dự báo, tham mưu cụ thể hóa thực hiện của một số cơ quan có lúc, có nơi chưa đạt yêu cầu, nhất là trong thực hiện nghị quyết, kết luận, văn bản của Trung ương, Thành ủy. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có hiện tượng né tránh, đùn đẩy, e ngại trong tham mưu giải quyết công việc. Một số công trình trọng điểm chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ, chủ yếu do vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng, năng lực tổ chức thi công nhà thầu, công tác quản lý của các ban quản lý dự án; khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng còn thấp, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai chưa đảm bảo.

5. Bài học kinh nghiệm

          Từ những kết quả, hạn chế và nguyên nhân nêu trên, UBND thành phố rút ra một số kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành đó là:

- Tiếp tục phát huy sự đoàn kết, thống nhất cao trong tập thể lãnh đạo UBND thành phố, lãnh đạo các sở ngành, quận huyện; công tác chỉ đạo, điều hành cần bám sát các hướng dẫn, lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, sự lãnh đạo của Thành ủy, HĐND thành phố.

- Công tác dự báo, đánh giá rủi ro cần được thực hiện khoa học, bài bản và cần có các công cụ hữu hiệu, dữ liệu chính xác để đề ra giải pháp và tổ chức thực hiện một cách linh hoạt, hiệu quả, có phân công phân nhiệm rõ ràng, gắn với trách nhiệm người đứng đầu các cấp.

- Là một bộ phận không thể tách rời trong tổng thể nền kinh tế, thành phố luôn bám sát và tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các cơ chế, giải pháp tạo động lực cho sự phát triển của thành phố.

- Lấy dân làm gốc, làm mục tiêu phục vụ; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân để thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra.

II. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023

1. Bối cảnh

Những khó khăn hiện tại sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2023, cùng với dự báo tình hình thế giới năm 2023 tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội; tăng trưởng có xu hướng chậm lại, nguy cơ cao về suy thoái kinh tế và các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực, thông tin gia tăng. Ở trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Sức ép lạm phát lớn, tỷ giá, lãi suất gia tăng; giá nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh tiếp tục xu hướng tăng như: giá xăng, dầu, nguyên vật liệu; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống nguy cơ cao bị thu hẹp; nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài và những vấn đề mới phát sinh cần phải tập trung giải quyết như: thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu, nợ thuế có xu hướng tăng… Trong khi đó, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, bão lũ tiếp tục diễn biến bất thường, ảnh hưởng nặng nề hơn.

2. Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023

a) Mục tiêu tổng quát

Tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp phục hồi và tăng trưởng kinh tế với Chủ đề năm 2023 là “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”. Tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, có trọng điểm, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, triển khai mạnh mẽ chuyển đối số trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Đề án thực hiện chương trình “Thành phố 4 an” gắn với chương trình thành phố “5 không”, “3 có” nhằm bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội. Giữ vững và tăng cường an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, phấn đấu xây dựng thành phố Đà Nẵng an bình, là điểm đến an toàn, tin cậy đối với du khách, bạn bè quốc tế.

b) Các chỉ tiêu chủ yếu năm 2023

(1) Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP, giá SS2010) ước tăng 6,5-7% so với ước thực hiện 2022;

(2) Giá trị gia tăng khu vực dịch vụ ước tăng 8-8,5%;

(3) Giá trị gia tăng khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 3-3,5%;

(4) Giá trị gia tăng khu vực nông, lâm nghiệp - thủy sản ước 2-2,5%;

(5) GRDP bình quân đầu người đạt 4.500 USD;

(6) Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt khoảng 13,5-14%;

(7) Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tăng 6-7%;

(8) Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt và vượt dự toán TW giao;

(9) Tổng vốn đầu tư phát triển ước tăng 6-7%;

(10) Tỷ suất sinh thô tăng 0,06%o;

(11) Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 3-4%;

(12) Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 3,2%;

(13) Tỷ lệ lực lượng lao động qua đào tạo (có bằng cấp chứng chỉ) đạt 53,7%;

(14) Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn sức lao động đến cuối năm (chuẩn thành

phố) giảm còn 1,39%;

(15) Có từ 1-2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao;

(16) Gọi công dân nhập ngũ đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch.

c) Nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023

Với mục tiêu Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP, giá SS2010) ước tăng 6,5-7% so với ước thực hiện 2022, năm 2023 thành phố sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục phục hồi và phát triển du lịch, thông tin truyền thông, giáo dục đào tạo…; phát huy, tranh thủ tối đa tác động lan tỏa của dịch vụ du lịch để đẩy mạnh các dịch vụ thương mại, bán buôn, bán lẻ, vận tải, kho bãi, v.v.. Tập trung hoàn thành một số nhiệm vụ trọng tâm lớn của năm 2023 như: hoàn thành Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; các quy hoạch phân khu; quy hoạch 3 loại rừng, đẩy nhanh tiến độ triển khai các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; thực hiện tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công để phát huy vai trò vốn mồi kích thích các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế…

Ưu tiên khai thác và phát huy có hiệu quả các nguồn lực trong nước, hoàn thành các bước chuẩn bị để tổ chức đấu giá, đấu thầu các dự án: CMC, Khu liên hợp thể thao Hòa Xuân…; hoàn thành thủ tục, triển khai dự án Làng Vân, dự án pháo hoa, chợ Hòa Phước…; triển khai thực hiện việc lựa chọn Nhà đầu tư bến 1, 2 cảng Liên Chiểu v.v.. Tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về quy hoạch, đất đai, đầu tư, xây dựng để phát triển kinh tế; quan tâm phát triển lĩnh vực văn hóa - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Tiếp tục bám sát làm việc với các Bộ, ngành, trung ương để trình phê duyệt Đề án thành lập Khu phi thuế quan, Trung tâm Tài chính, cơ chế quản lý khai thác Khu công viên phần mềm số 2, tháo gỡ các vướng mắc về đất đai trong thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm toán, bản án… Chuẩn bị các nội dung phục vụ sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng thành phố lần thứ XXII. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả và tổ chức sơ kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Nghị định số 34/2021/NĐ-CP quy định chi tiết biện pháp thi hành Nghị quyết số 119/2020/QH14; Nghị định số 40/2022/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 144/2016/NĐ-CP quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng.

Cụ thể:

(1) Về phòng chống, khắc phục dịch bệnh: Tiếp tục triển khai kế hoạch thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.

(2) Về lĩnh vực du lịch: Thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch ban đêm thông qua đôn đốc triển khai Đề án phát triển kinh tế ban đêm tại thành phố Đà Nẵng, Kế hoạch tổ chức thí điểm chương trình “Đà Nẵng về đêm-Danang By Night”. Tổ chức các sự kiện, lễ hội để thu hút khách, đặc biệt là Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng[3]...; đẩy mạnh du lịch golf thông qua tổ chức Lễ hội Du lịch golf Đà Nẵng năm 2023 và Giải Golf Phát triển châu Á 2023. Tiếp tục xúc tiến duy trì và mở các đường bay quốc tế mới, thu hút khách du lịch đường biển quốc tế đến Đà Nẵng.

(3) Về thương mại, dịch vụ: Tích cực phối hợp, làm việc với các bộ ngành Trung ương để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Khu phi thuế quan thành phố Đà Nẵng, Trung tâm tài chính và trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý và đầu tư Khu phi thuế quan thành phố Đà Nẵng. Tăng cường giám sát và hướng dẫn các doanh nghiệp không để xảy ra tình trạng bán hàng hạn chế về số lượng hoặc giảm thời gian bán hàng tại các cửa hàng xăng dầu, nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá, phục vụ sản xuất và phương tiện lưu thông của người dân trên địa bàn. Hoàn thành nâng cấp, cải tạo chợ Hàn và đưa vào sử dụng tạo điểm nhấn về chợ truyền thống phục vụ du lịch trên địa bàn thành phố. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình Hạ tầng kỹ thuật, giải phóng mặt bằng, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư Dự án Chợ đầu mối Hòa Phước.

Phối hợp thực hiện việc lựa chọn Nhà đầu tư bến 1, 2 cảng Liên Chiểu đảm bảo tiến độ đề ra. Bảo đảm chuyển đổi số được triển khai trong tất cả ngành, lĩnh vực, chú trọng phát triển doanh nghiệp số, kinh tế số; kinh tế số đóng góp tối thiểu 15% GRDP thành phố. Đưa vào hoạt động dự án Mở rộng Trung tâm dữ liệu, dự án xây dựng Trung tâm giám sát điều hành đa nhiệm (IOC, giai đoạn 1); triển khai dự án Trung tâm xây dựng Trung tâm tích hợp kiểm soát khả năng phục hồi đô thị xanh và thông minh (do KOICA tài trợ bằng sản phẩm, không hoàn lại). Làm việc với các bộ, ngành Trung ương về cơ chế quản lý, khai thác Khu Công viên phần mềm số 2.

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng cho các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tại ngân hàng thương mại theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.        

(4)  Về công nghiệp:

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của HĐND thành phố, bao gồm Nghị quyết số 53/2021/NQ-HĐND ngày 17/12/2021 quy định chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và Nghị quyết số 324/2020/NQ-HĐND quy định chính sách khuyến công và phát triển sản xuất sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KCN Hòa Cầm giai đoạn 2, hoàn thành thủ tục lựa chọn nhà đầu tư để sớm triển khai đầu tư xây dựng cơ sơ hạ tầng KCN Hòa Ninh, KCN hỗ trợ Khu công nghệ cao. Triển khai thủ tục mở rộng Khu công nghệ cao; nghiên cứu lập quy hoạch phân khu xây dựng đối với dự án Khu công nghệ cao theo ranh giới quy hoạch đã được xác định trong quy hoạch chung thành phố (1.844,48ha) song song với việc triển khai quy hoạch phân khu công nghệ cao (5.585ha). Tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai giai đoạn 2 dự án thí điểm mô hình chuyển đổi Khu công nghiệp sinh thái đối với KCN Hòa Khánh. Triển khai thực hiên dự án “Xây dựng mô hình Khu đô thị thông minh tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng” theo chương trình Đô thị thông minh được hỗ trợ bởi Đối tác chung ASEAN - Nhật Bản.

Khẩn trương hoàn thành các thủ tục để đưa Cụm công nghiệp Cẩm Lệ đi vào hoạt động; ban hành Quy chế phối hợp quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố; triển khai lựa chọn chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Cụm công nghiệp Hòa Nhơn, Hoà Khánh Nam và đẩy nhanh tiến độ đầu tư để sớm thu hút doanh nghiệp vào hoạt động.

 (5) Về thủy sản - nông nghiệp - lâm nghiệp:

Lựa chọn từ 01-02 hợp tác xã trên lĩnh vực nông nghiệp để hỗ trợ, thúc đẩy trở thành hợp tác xã điển hình, tạo hạt nhân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố. Có từ 01 đến 02 xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.Tổ chức thực hiện hiệu quả các hoạt động chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU). Thực hiện cắm mốc quy hoạch 03 loại rừng trên địa bàn thành phố sau khi hoàn thành điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến năm 2030.

(6)  Về quản lý đầu tư - xây dựng cơ bản:

Triển khai hiệu quả đề án Nghiên cứu kêu gọi, xúc tiến các nhà đầu tư lớn đầu tư vào các khu công nghiệp mới (Hòa Cầm - Giai đoạn 2, Hòa Nhơn, Hòa Ninh) và Khu công nghiệp hỗ trợ Khu công nghệ cao Đà Nẵng”; hoàn thành các bước chuẩn bị để tổ chức đấu giá đối với các dự án Không gian sáng tạo tại phường hoà Xuân, Khu liên hợp thể thao Hòa Xuân; hoàn thành thủ tục, triển khai dự án Làng Vân, dự án pháo hoa, chợ Hòa Phước.

Khởi công dự án Nâng cấp Quốc lộ 14B, đoạn qua địa phận Đà Nẵng, công trình Cầu Quảng Đà và đường dẫn đầu cầu; tiếp tục phối hợp đề xuất các Bộ, ngành Trung ương ưu tiên đầu tư, nâng cấp mở rộng tuyến Quốc lộ 14G, 14D nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên Hành lang kinh tế Đông Tây. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm: Đầu tư xây dựng bến Cảng Liên Chiểu (Phần cơ sở hạ tầng dùng chung); Cải tạo, nâng cấp tuyến đường ĐT601 (đoạn Km0-Km5); Nâng cấp mở rộng nhà ga hàng hóa - Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng... Tập trung chỉ đạo nghiên cứu xây dựng phương án Di dời đường sắt ra khỏi trung tâm thành phố. Phối hợp đề xuất triển khai dự án đầu tư xây dựng bến Cảng Liên Chiểu (GĐ2). Rà soát, đề xuất triển khai đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe, bến thủy nội địa theo quy hoạch; khởi công dự án cụm nhà ở xã hội.

(7) Về quy hoạch, đô thị, tài  nguyên và môi trường: Triển khai thực hiện Quy hoạch thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hoàn thành các quy hoạch phân khu. Tiếp tục rà soát và đề xuất tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện các Kết luận của Thanh tra Chính phủ (Kết luận: 2852, 34, 269, 1202) và các Bản án của Toà án liên quan đến các vụ án tham nhũng. 

(8) Phấn đấu thu ngân sách nhà nước đạt và vượt chỉ tiêu Trung ương giao. Điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ theo dự toán được giao, tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên; giảm mạnh kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; kinh phí mua sắm, sửa chữa tài sản chưa cấp thiết.

(9) Tiếp tục giải quyết và phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội; tăng cường các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân

(10) Nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, tập trung công tác xây dựng chính quyền, thanh tra, tư pháp, giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo.

(11) Tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, an toàn giao thông và trật tự xã hội./.

 


[1] Với tỷ lệ lực lượng lao động đã qua đào tạo (có bằng cấp, chứng chỉ) đạt 47,7% tuy không đạt kế hoạch nhưng hiện là tỷ lệ cao thứ 2 so với cả nước, chỉ đứng sau Hà Nội.

[2] Mặc dù trong năm 2022, thành phố ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo thoát nghèo bền vững, tuy nhiên do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và thiên tai, bão, mưa, lũ tác động mạnh đến đời sống hộ nghèo gây khó khăn về việc làm, thu nhập và thiệt hại về nhà ở, tài sản; do vậy, kết quả ước đến cuối năm thoát 2.500 hộ nghèo còn sức lao động, đạt tỷ lệ 83,6% so với Kế hoạch giảm nghèo của thành phố giao.

[3] Bao gồm Lễ hội Tuyệt vời Đà Nẵng.

Phòng Tổng hợp và Hợp tác quốc tế 

Các tin khác