I. Những thành quả nổi bật, những giải pháp mang tính đột phá trong nhiệm kỳ vừa qua (2015-2020)
Năm năm qua, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng thành phố đã nỗ lực phấn đấu, thực hiện 3 đột phá về kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội XXI đạt kết quả rõ nét trên một số lĩnh vực. Kinh tế duy trì được nhịp độ tăng trưởng khá, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP, giá so sánh 2010) giai đoạn 2016-2019 (không tính ảnh hưởng của dịch COVID-19) tăng bình quân 7,7%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; chất lượng tăng trưởng một số mặt được cải thiện. Việc thực hiện đột phá thứ nhất về phát triển các ngành dịch vụ, nhất là du lịch đạt nhiều kết quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực và đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế thành phố. Ngành dịch vụ dẫn đầu về tỷ trọng; dịch vụ thương mại, thông tin và truyền thông, vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng, giáo dục - đào tạo, y tế đều phát triển với tốc độ cao. Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh quốc tế, Đà Nẵng được biết đến như là một điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện.
Công nghiệp duy trì mức tăng trưởng khá, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin được chú trọng phát triển. Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung (giai đoạn 1) được đầu tư tương đối hoàn thiện, hứa hẹn sẽ là động lực mới cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bến vững và hội nhập cao hơn của thành phố trong những năm đến. Nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Xây dựng nông thôn mới hoàn thành sớm mục tiêu đề ra. Tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển ngày càng được phát huy với vị thế là một trong 3 trụ cột phát triển của Đà Nẵng.
Môi trường đầu tư thông thoáng; hoạt động đối ngoại được mở rộng; các chỉ số về tính hấp dẫn, về tính cạnh tranh địa phương, chỉ số phát triển con người duy trì được trong nhóm các địa phương dẫn đầu của cả nước. Đặc biệt, thành phố đã nỗ lực, bình tĩnh, quyết tâm và có nhiều biện pháp sáng tạo trong công tác phòng chống dịch COVID-19, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, khôi phục kinh tế và đảm bảo đời sống nhân dân.
Việc thực hiện đột phá thứ hai về xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị được triển khai đồng bộ, có trọng điểm, diện mạo đô thị có bước phát triển nhanh theo hướng văn minh, bền vững, thân thiện. Các công trình trọng điểm được tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa vào sử dụng hiệu quả, nhất là việc triển khai thực hiện các dự án động lực, trọng điểm và các dự án dư luận xã hội quan tâm theo hướng phục vụ tốt cộng đồng và sự phát triển bền vững của thành phố.
Việc thực hiện đột phá thứ ba về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tạo sự chuyển biến về chất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tạo điều kiện khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia phát triển cơ sở giáo dục tư thục chất lượng cao. Kiên trì kiến nghị đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng dự án Khu đô thị Đại học Đà Nẵng.
Lĩnh vực văn hoá - xã hội, giáo dục, đào tạo, y tế, công tác giảm nghèo đạt kết quả tốt; đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận nhân dân được nâng lên. Đà Nẵng từng bước khẳng định vai trò là đô thị lớn, đầu tàu, động lực phát triển, trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Quốc phòng - an ninh được tăng cường, chủ quyền vùng biển được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.
II. Giải pháp để hiện thực hóa nghị quyết trong nhiệm kỳ này (2020-2025)
Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2025: “Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, chính quyền tiên phong trong đổi mới và phát triển, đưa thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị khởi nghiệp, sáng tạo, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước, là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên; quốc phòng - an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc; phấn đấu xây dựng thành phố Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại”. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2020-2025 tăng 9-10%/năm.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 10/12/2020 và Chương trình hành động số 08-CTr/TU ngày 23/4/2021 về việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố, Kết luận số 201-KL/TU ngày 16/5/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 10/12/2020 và Chương trình hành động số 08-CTr/TU ngày 23/4/2021 của Thành ủy. UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 15/KH-UBND ngày 21/01/2021, Kế hoạch số 121/KH-UBND ngày 23/6/2021 và Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 19/01/2022 về việc triển khai Chương trình hành động số 01-CTr/TU và Chương trình hành động số 08-CTr/TU của Thành ủy Đà Nẵng về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố. Trong đó, đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm:
(1) Đẩy nhanh và thực hiện thực chất, có hiệu quả tiến trình tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, gắn với đẩy nhanh xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh.
(2) Triển khai quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
(3) Tiếp tục đầu tư, thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, có lợi thế cạnh tranh, tạo động lực phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
(4) Rà soát, hoàn thiện các quy hoạch, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển.
(5) Nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu, gắn với chống thất thu, thu đúng, thu đủ và kịp thời vào ngân sách.
(6) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, từng bước hình thành hệ sinh thái sử dụng công nghệ số, kinh tế số phát triển, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới.
(7) Phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế; xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh; thực hiện tốt phúc lợi xã hội và an sinh xã hội.
(8) Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; tập trung phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt.
(9) Tăng cường quan hệ, phối hợp tốt với các cơ quan Trung ương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển trong nước và quốc tế.
(10) Giữ vững quốc phòng - an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội và đẩy mạnh cải cách tư pháp.
Phòng Tổng hợp và Hợp tác quốc tế